Thị xã Duyên Hải Định hướng xây dựng đô thị ven biển xanh, thích ứng biến đổi khí hậu
Lượt xem: 2386
Được chia tách từ huyện Duyên Hải năm 2015, thị xã Duyên Hải là một trong những địa phương tiếp giáp với biển của tỉnh Trà Vinh. Diện tích tự nhiên 17.506,75 ha, dân số 48.240 người (theo Niên giám Thống kê thị xã Duyên Hải năm 2020), có 03 xã tiếp giáp với biển (Hiệp Thạnh, Trường Long Hòa và Dân Thành) với chiều dài bờ biển trên 25km; Thị xã Duyên Hải là vùng đất ngập mặn, với hệ thống sông ngồi chằng chịt, có sông Long Toàn là nhánh sông lớn đổ ra biển và những nhánh sông nhỏ tỏa đi khắp nơi trong địa bàn thị xã, hàng năm cung cấp đủ lượng nước phục vụ cho việc nuôi trồng thủy, hải sản của nhân dân.

Trong những năm gần đây, cùng với các địa phương khác trong tỉnh Trà Vinh nói chung và thị xã Duyên Hải nói riêng đã và đang đối mặt với nhiều thách thức ngày càng nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu, kèm theo các hình thái thời tiết cực đoan như bão, lốc xoáy, triều cường, sự xâm nhập mặn… xuất hiện nhiều và tầng xuất ngày một cao hơn, mạnh hơn.

Những vấn đề này gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con nhân dân, nhất là trên lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản, vốn được xem là thế mạnh về phát triển kinh tế của địa phương. Theo đánh giá của các ngành chức năng, do ảnh hưởng bởi các hình thái thời tiết cực đoan, sản lượng nuôi trồng thủy hải sản của thị xã những năm qua giảm mạnh so với những năm trước đây, các mô hình nuôi tôm chuyển từ hình thức nuôi thâm canh, sang mô hình công nghiệp cũng bị rủi ro rất lớn, cùng với đó, sản lượng đánh bắt xa bờ của ngư dân cũng giảm đi rõ rệt, nhiều hộ ngư dân vốn dĩ bao đời nay theo nghề đánh bắt xa bờ giờ cũng chuyển sang lĩnh vực khác như: Sửa chữa tàu thuyền, đánh bắt trở thành tàu chạy dịch vụ… chính vì vậy, số lượng tàu đánh bắt thủy sản của địa phương giảm mạnh. Bên cạnh sự giảm sản lượng của việc chăn nuôi, đánh bắt thủy hải sản thì việc trồng trọt và chăn nuôi trên lĩnh vực nông nghiệp cũng bị thiệt hại đáng kể do mưa, bão thường xuyên kéo dài, triều cường dâng cao, xâm nhập mặn gây khó khăn cho bà con nhân dân trong việc trồng trọt (hoa màu, các loại cây trồng truyền thống….). Bên cạnh đó, tình trạng mưa, nắng thất thường tạo điều kiện cho các dịch bệnh bùng phát liên tục trên cây trồng, vật nuôi đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con nông dân.

Thời gian qua, các ngành chức năng của thị xã đã vận động, tuyên truyền cho nhân dân trên lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đối khi hậu. Đúng với kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thị xã. Nhưng nhìn chung năng xuất, sản lượng và chất lượng vẫn còn rất thấp so với tiềm năng hiện có của thị xã.

Trong bối cảnh diễn biến khí hậu kèm theo các hình thái thời tiết cực đoan ngày một tăng thì khả năng chống chịu, phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu của thị xã Duyên Hải trở thành một mối quan tâm lớn của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thị xã.

Trong thời gian tới, để chủ động bảo vệ sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thị xã Duyên Hải xanh, sạch, đẹp, phát triển bền vững và từng bước thích ứng với các ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như cải thiện chất lượng môi trường sống. Đảng bộ, dân, quân thị xã Duyên Hải cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp cụ thể như sau:

Một là, Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Đánh giá hiện trạng và mức độ chống chịu của vùng ven biển, ven sông đối với các tai biến tự nhiên, sự cố môi trường. Tiếp tục kiến nghị tỉnh đầu tư các công trình nhằm chủ động phòng, chống thiên tai, hạn chế tác động của triều cường. Triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống thiên tai, bão, triều cường, nhất là ở các địa bàn xung yếu.

Hai là, Tích cực phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc rà soát, bổ sung và lập mới đồng bộ các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển vùng ven bờ, vùng biển; quy hoạch khu lấn biển, xây dựng khu đô thị mới ven biển xã Trường Long Hòa, quản lý, khai thác có hiệu quả Cồn Vượt, xã Hiệp Thạnh, tạo nét đặc trưng và đột phá về phát triển đô thị gắn với phát triển du lịch biển. Thực hiện tốt công tác quản lý theo quy hoạch được phê duyệt. Đề xuất, phối hợp với các ngành chuyên môn cấp trên thường xuyên khảo sát, đánh giá hiện trạng và khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng của các xã ven biển, ven sông. Tiếp tục tranh thủ, kiến nghị tỉnh đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật ven biển, nhất là hệ thống kè biển, kè sông.

 Ba là, Tạo điều kiện thuận lợi để huy động các nguồn lực (kể cả ngoài nước) cho đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển. Tranh thủ nguồn lực để phát triển công nghiệp ven biển trên địa bàn thị xã thành khu vực phát triển năng động, với việc ưu tiên phát triển hợp lý các ngành, lĩnh vực: Năng lượng tái tạo; đóng, sửa tàu thuyền và phương tiện đi lại trên biển; công nghiệp phụ trợ, công nghiệp chế biến, góp phần tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Tăng cường thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Định An trên địa bàn thị xã, phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động Bến cảng tổng hợp Định An.

 Bốn là, Chú trọng phát triển du lịch, dịch vụ biển trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của kinh tế biển. Tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm; khuyến khích, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch sinh thái, các khu du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp; xây dựng, phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm, chuỗi sản phẩm, thương hiệu du lịch biển địa phương trên cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị các di tích văn hoá, lịch sử được công nhận trở thành điểm đến hấp dẫn trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. 

 Năm là, Trong lĩnh vực thủy sản, chuyển mạnh từ nuôi trồng theo phương thức truyền thống sang thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức lại hoạt động khai thác hải sản theo hướng giảm khai thác gần bờ, chuyển sang khai thác xa bờ đi đôi với thực hiện đồng bộ, có hiệu quả công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân; tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận các chính sách ưu đãi để đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn, đánh bắt xa bờ.

Sáu là, Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp đô thị, thích ứng với biến đổi khí hậu; từng bước sản xuất hàng hóa có thương hiệu, nhãn hiện, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh đầu tư phát triển nông nghiệp; đề xuất sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các chính sách của tỉnh theo hướng khuyến khích sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thân thiện với môi trường.

Bảy là, Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đô thị; xây dựng đô thị văn minh, “Sáng - xanh - sạch - đẹp”, nhất là chỉnh trang các tuyến đường chính, cửa ngõ vào thị xã, các tuyến đường nội ô tập trung đông dân cư, trục cảnh quan đô thị; đầu tư nâng cấp hệ thống đèn chiếu sáng, đèn trang trí, chỉnh trang trật tự vỉa hè, biển hiệu quảng cáo, mái che, cáp viễn thông. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, quản lý đô thị, quản lý xây dựng..., tạo sự đồng thuận cao của người dân trong việc giữ gìn trật tự, mỹ quan đô thị và bảo vệ môi trường. Chú trọng công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm nhằm bảo đảm kỷ cương, trật tự và văn minh đô thị.

Tám là, Phấn đấu hoàn thành các tiêu chí của đô thị loại IV vào năm 2022, tập trung huy động các nguồn lực xây dựng đô thị loại III theo hướng đô thị thông minh. Tranh thủ các doanh nghiệp viễn thông đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin. Kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội, nhà ở thương mại; phát triển mới một số khu nhà ở tập trung theo quy hoạch; xây dựng đường vành đai đô thị phía Tây sông Long Toàn, nâng cấp, sửa chữa hệ thống kè sông Long Toàn. Tập trung nguồn lực để nâng cấp xã Dân Thành, Trường Long Hòa lên thành phường, phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 50%.

Với truyền thống anh hùng, toàn Đảng bộ, toàn dân, toàn quân thị xã Duyên Hải đoàn kết, phát huy dân chủ, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thị xã lần thứ III, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra./.

Nguyễn Minh Trí - BTG

BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH








Thống kê truy cập
  • Đang online: 3
  • Hôm nay: 8
  • Trong tuần: 1 513
  • Tất cả: 5400854
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND thị xã Duyên Hải. Địa chỉ: số 14, đường 3 tháng 2, khóm 1, phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Trưởng Ban biên tập: Bà Cao Thị Hồng Gấm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Phó Trưởng Ban thường trực: Ông Lê Trường Phong - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3832012. Email:phongvh.txduyenhai@travinh.gov.vn.
Ghi rõ nguồn "txdh.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang