Thị xã Duyên Hải phát triển Du lịch Ngành Công nghiệp không khói đầy tiềm năng và triển vọng
Lượt xem: 4310
Du lịch thị xã Duyên Hải là ngành công nghiệp không khói đã đem lại hiệu quả tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn tương xứng với tiềm năng du lịch của địa phương.

(Nhánh sông Trường Long Hòa)

Thị xã Duyên Hải có trên 26 km bờ biển, có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt, rừng ngập mặn và vuông tôm trên một mặt phẳng, lại cách nhau trong bán kính 20km là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch và các dịch vụ bổ trợ cho du lịch. Bên cạnh đó hệ thống giao thông đường bộ được quan tâm đầu tư ngày càng hoàn thiện như QL53B, QL53 đã khởi công sẽ giúp cho khách du lịch tìm đến thị xã Duyên Hải được nhanh chóng và dễ dàng hơn, cộng với lợi thế về khí hậu tốt, ít gặp rủi ro do thời tiết và thiên tai gây ra nên có thể phát triển du lịch được tất cả các mùa trong năm. Nơi đây còn có mỏ nước khoáng nóng với nhiệt độ nóng 37,5 độ C, rất lý tưởng để khai thác dịch vụ tắm khoáng nóng.

(Khu du lịch biển ba động)

Với tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú thị xã Duyên Hải được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ về chuyên môn của các sở, ngành tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, thời gian không xa ngành Du lịch thị xã Duyên Hải sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ sản xuất sang dịch vụ và sớm trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của Đồng bằng sông Cửu Long và sẽ góp phần xây dựng thành công Thành phố Biển Duyên Hải trong tương lai.

        Có thể thấy, Thị xã Duyên Hải có nhiều điểm du lịch khá nổi bật đang thu hút khách  đến tham quan như:  Khu du lịch Biển Ba Động, Thiền Viện Trúc Lâm, Lầu Bà Cố Hỷ Thượng Động nương nương; Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Điện gió, Điện năng lượng mặt trời, Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, nhà máy 3 và nhà máy 3 mở rộng đang đi vào vận hành, các di tích đình, miếu…hằng năm thu hút trên 300 ngàn lượt khách đến tham quan.

(Thiền viện trúc lâm Trà Vinh)

 Trong những năm qua, từ khi thành lập thị xã Duyên Hải đến nay đã có những bước thay đáng kể, làm thay đổi rõ nét diện mạo vùng ven biển Trà Vinh, kinh tế nông nghiệp hướng theo chất lượng cao và chuỗi giá trị, kết hợp với tăng cường thương mại- dịch vụ, thu nhập người dân  được cải thiện rõ nét năm 2020 thu nhập 60 triệu đồng/người, số hộ khá giàu không ngừng tăng lên, số hộ nghèo hiện chỉ còn 1,09%. Đặc biệt, các công trình lớn của Trung ương đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện, mở ra triển vọng lớn trong tương lai cho tỉnh và khu vực về giá trị, vị thế, lợi thế so sánh và thu hút đầu tư: Trung tâm Điện lực Duyên Hải; Luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu; Hạ tầng Khu kinh tế Định An; Quốc lộ 53 đang khởi công, …khi hòan thành và đưa vào vận hành đồng bộ, sẽ là nền tảng và động lực to lớn để thị xã Duyên Hải tận dụng cơ hội phát triển kinh tế - xã hội và phát triển ngành du lịch của địa phương xứng với vị thế và tiềm năng của đô thị ven biển tỉnh Trà Vinh.

 (Công viên thị xã Duyên Hải)

Thị xã Duyên Hải đang tích cực khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, tạo môi trường thuận lợi để huy động, thu hút đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao giá trị kinh tế của địa phương, nhất là tập trung tái cơ cấu kinh tế của thị xã trên các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2020 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, gắn với nâng cấp thị xã hoàn thành đô thị loại IV và định hướng phát triển là Thành phố biển đặc trưng của vùng ĐBSCL. Trên cơ sở quy hoạch huy động mọi nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế xã hội; ưu tiên phát triển công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, du lịch gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, theo hướng bền vững và hiệu quả dựa vào lợi thế địa phương có thế mạnh, nhằm đưa ngành du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương theo định hướng của tỉnh năm 2020 đến 2030

         Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành Du lịch thị xã Duyên Hải vẫn còn gặp không ít khó khăn và thách thức. Công tác quy hoạch, triển khai thực hiện các dự án đầu tư du lịch còn chậm như: Khu du lịch Biển Ba Động, Khu du lịch sinh thái Nông Trường 22/12, khu di tích lịch sử Căn cứ Tỉnh ủy, Nhà âm, Trường học âm chưa được đầu tư phục dựng… trình độ cán bộ quản lý và đội ngũ lao động mang tính chuyên nghiệp ngành Du lịch còn hạn chế, gây ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng kinh doanh, phát triển dịch vụ du lịch, cũng như hạn chế trong việc giao tiếp với khách du lịch, nhất là khách nước ngoài; việc nâng giá dịch vụ, chèo kéo khách vẫn còn xảy ra, về vệ sinh môi trường, tình hình trật tự, thái độ phục vụ của người dân ở một số điểm tham quan du lịch chưa đảm bảo tốt, trong đó điển hình là khu du lịch Biển Ba Động; làm ảnh hưởng đến môi trường du lịch của thị xã; trên địa bàn thị xã chưa có điểm vui chơi, giải trí quy mô lớn đạt chuẩn phục vụ khách du lịch; công tác tuyên truyền, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực Du lịch từng lúc chưa đi vào chiều sâu; việc quảng bá xúc tiến du lịch vẫn còn thiếu tính liên kết khu vực, tính chuyên nghiệp chưa cao; hạ tầng du lịch còn thấp, hằng năm có đầu tư nhưng chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, thực tế còn nhiều tuyến đường, cầu  đến điểm du lịch còn nhỏ hẹp, hạn chế số lượng khách đến tham quan như: Cầu Ba Động, Đường đến Lầu Bà, Khu di tích Bến tiếp nhận vũ khí Cồn Tàu, Đường dẫn vào Khu căn cứ Tỉnh ủy... Nguồn tài nguyên du lịch của thị xã được đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác. Tuy nhiên, nhìn chung hiệu quả mang lại chưa cao, mới dừng lại ở bề nổi, khai thác cái có sẵn, chưa phát huy hết giá trị vốn có của tài nguyên.

(Chợ Hải sản phường 2)

Để ngành du lịch phát triển đúng với mục tiêu, định hướng mà theo Nghị quyết thị xã đề ra sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng và các phương tiện giao thông quan trọng, các tuyến giao thông kết nối giữa các công trình du lịch. Tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho du lịch  biển, du lịch sinh thái như: bến, bãi, cảng biển du lịch, khu dịch vụ du lịch; các tuyến đường ven biển. Quy hoạch sắp xếp và xây dựng các cơ sở dịch vụ: homstay, chợ đêm cặp Sông Long Toàn, các địa điểm ăn uống, vui chơi giải trí phù hợp với nhiều đối tượng du khách. Đầu tư chỉnh trang, tôn tạo cảnh quan, môi trường; Nâng cấp và xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật, dịch vụ phục vụ du lịch tại một số di tích và danh lam thắng cảnh; khôi phục lại các làng nghề truyền thống và các khu vực nuôi trồng thủy, hải sản theo hướng trang trại, tập trung. Ưu tiên thu hút đầu tư nâng cấp, xây mới hệ thống cơ sở lưu trú, hình thành tổ hợp khách sạn, nhà nghỉ kết hợp với Trung tâm thương mại, nghỉ dưỡng, sản phẩm du lịch và tổ chức hội nghị, hội thảo đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Đẩy mạnh quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch thị xã, về du lịch biển, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái …Tăng cường thu hút, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao. Tập trung phát triển các ngành dịch vụ và công nghiệp phụ trợ cho du lịch, đặc biệt tại các xã – phường. 

(Rừng sinh thái Nông trường tỉnh đội 22/12)

Đẩy mạnh kết nối các tuyến du lịch trong, ngoài tỉnh, để đa dạng hóa sản phẩm, thu hút thêm khách từ các tỉnh lân cận. Xác định thời gian trọng điểm tập trung xây dựng sản phẩm nổi bật như: mùa thu hoạch nghêu, ốc viết, các đợt lễ hội hội văn hóa tâm linh. Tập trung thu hút có lựa chọn các phân khúc thị trường khách du lịch; Phát triển mạnh thị trường du lịch trong tỉnh, chú trọng phân khúc khách nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, nghỉ cuối tuần và mua sắm các sản phẩm đặc sản của thị xã. Sau khi đầu tư hình thành các điểm du lịch. Các hiệp hội, doanh nghiệp tìm đến, là cơ hội, thúc đẩy hợp tác, đầu tư kinh doanh, nhất là đối với những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng để đem lại lợi ích cho nhà đầu tư và đưa thị xã Duyên Hải phát triển nhanh, bền vững. phấn đấu đến cuối năm 2025 thị xã có trên 50% đô thị hóa. Khi xây dựng đồ án quy hoạch xã Dân Thành và xã Trường Long Hòa lên phường vào năm 2023.

Để phát triển thị xã trở thành Thành Phố du lịch ven biển cần tập huấn cho người dân biết khai thác du lịch; du lịch cộng đồng; biết chế biến các loại ẩm thực của các loài thủy sản tươi để giữ chân du khách, chú trọng đến du khách nước ngoài; quản lý giá cả, tạo mọi điều kiện cho mọi người dân nhận thức đúng để làm, khai thác du lịch; bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn văn hóa, bảo tồn sản phẩm, đảm bảo về an ninh trật tự. Để từng bước giúp cho mọi người dân địa phương có thói quen khi khách đến đây một lần sẽ giữ được chân khách. Từ đó sẽ thu hút khách du lịch ngày càng nhiều thêm

        Cùng với đó, chú trọng công tác truyền thông, định hướng, nâng cao nhận thức của xã hội, cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch, tăng cường tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, nhất là các hộ trực tiếp tham gia làm du lịch và người dân tại các điểm du lịch tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh, thân thiện với du khách. Tăng cường quản lý bảo đảm về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường; Cung cấp thông tin về dịch vụ tại địa phương cho du khách qua internet; Facebook, zalo, trang thông tin điện tử thị xã, trạm truyền thanh các xã, phường và hệ thống các kênh quảng bá du lịch./.

                                                                      Thanh Khiết

1 2 
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH








Thống kê truy cập
  • Đang online: 4
  • Hôm nay: 178
  • Trong tuần: 1 120
  • Tất cả: 5401966
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND thị xã Duyên Hải. Địa chỉ: số 14, đường 3 tháng 2, khóm 1, phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Trưởng Ban biên tập: Bà Cao Thị Hồng Gấm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Phó Trưởng Ban thường trực: Ông Lê Trường Phong - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3832012. Email:phongvh.txduyenhai@travinh.gov.vn.
Ghi rõ nguồn "txdh.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang