Đảng bộ và Nhân dân thị xã Duyên Hải chung tay xây dựng nông thôn mới
Lượt xem: 2137
Hướng theo Quốc lộ 53 về phía Đông nam, thị xã Duyên Hải nằm cách trung tâm hành chính tỉnh Trà Vinh 56 Km. cửa ngõ là biển Đông rộng lớn với hơn 26 km bờ biển chạy dài từ Kênh Tắt xã Dân Thành đến Vàm Thâu Râu xã Hiệp Thạnh, hệ thống sông ngòi chằng chịt xen kẽ những mảng rừng ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng và phong phú các loài động, thực vật. chạy song song với biển là những giồng cát màu mỡ xanh rì các loại cây màu, cây công nghiệp.Với tổng diện tích tự nhiên là 17.506,75 ha , Thị xã Duyên Hải có 07 đơn vị hành chính cấp xã (02 phường, 05 xã), với 38 ấp, khóm (27 ấp, 11 khóm), dân số 47.753 người. 

Những ưu thế và tiềm năng về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý tài nguyên vùng ven biển. Thị Duyên Hải có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế, nhất là kinh tế biển, ven biển với các ngành, lĩnh vực, như: Nuôi trồng khai thác hải sản; năng lượng tái tạo (mặt trời, gió); du lịch, dịch vụ biển; công nghiệp ven biển... Các công trình trọng điểm quốc gia đã được đầu tư đưa vào sử dụng như Luồng cho tàu biển có trọng tải lớn vào sông Hậu; Trung tâm Điện lực Duyên Hải góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị xã.

Sau khi được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính của huyện Duyên Hải, huyện Trà Cú. Cùng với các đơn vị huyện, thị, thành trong tinh, Đảng bộ và nhân dân thị xã Duyên Hải đã tích cực hưởng ứng chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Nghị quyết số 04, ngày 04 tháng 10 năm 2011 của Tỉnh ủy tỉnh Trà Vinh về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 định hướng đến năm 2020.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới với xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của huyện Duyên Hải trước đây còn thấp kém so với một số địa phương trong tỉnh, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất chưa tạo được mô hình hiệu quả; công nghiệp, dịch vụ phát triển chậm, chưa thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động ở nông thôn; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là hộ đồng bào dân tộc Khơme; toàn huyện có tới 3/11, thị trấn đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ. Nhân dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 19 triệu đồng/người/năm, hạ tầng giao thông nông thôn chưa được đầu tư nâng cấp mở rộng, từ đó giao thương hàng hóa gặp rất nhiều khó khăn, doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn chưa nhiều.

Với quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân thị xã, sự chủ động vào cuộc của các ngành, các cấp qua 10 năm triển khai,thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã đạt được kết quả rất đáng trân trọng.

Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là sản xuất, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông thôn gắn với phát triển đô thị và bảo vệ cảnh quan môi trường, bảo vệ tính liên kết vùng, bảo đảm chất lượng, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên mỗi xã, phường. Thời gian qua thị xã đã điều chỉnh quy hoạch lại 4 xã nông thôn mới và 1 xã lập quy hoạch mới theo Thông tư số 02 của Bộ Xây Dựng năm 2017. Xác định rỏ vấn đề giao thông, thủy lợi là điểm nghẻn cho việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, đây là công việc mà các cấp ủy, chính quyền và nhân dân đặc biệt quan tâm. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Trung ương, của tỉnh và lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn, thị xã đã chủ động xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh, qua thời gian thực hiện đến nay trên địa bàn 5 xã có 211,171/269,561 km đường giao thông nông thôn được nhựa hóa, đal hóa, chiếm tỷ lệ 78,3%, đầu tư 51 dự án xây dựng công trình cống đập kiên cố, nâng cấp được 21,5 km bờ bao chống triều cường kiên cố và 192,3 km bờ bao thủy lợi, cải tạo nâng cấp 8 cống đập, nạo vét 52 km kênh nội đồng về cơ bản phục vụ nhu cầu cấp thoát nước, hiện nay toàn thị xã có 101 tuyến kênh mương thủy lợi cấp, thoát nước phục vụ nuôi trồng thủy sản và trồng màu, với chiều dài 246,8km. Đồng hành cùng chính quyền địa phương trong việc xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng nhân dân đã tự nguyện hiến 549.924 m2 đất và tham gia 6.180 ngày công lao động để mở rộng, nâng cấp các tuyến đường liên ấp, liên xã và cải tạo, nạo vét  các tuyến kênh nội đồng đúng theo quy hoạch.

Bằng nguồn kinh phí từ ngành điện và nhân dân đóng góp thị xã đã đầu tư 25 công trình để nâng cấp, mở rộng hệ thống điện trung, hạ áp nông thôn. Đến nay,trên toàn địa bàn thị xã tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng điện thường xuyên, an toàn theo xác nhận của ngành điện là 7.819/7.856 hộ, đạt 99,5% (tăng 9,1% so với năm 2011).

Nếu như ở thời điểm 2011 5/5 xã không đạt tiêu chí về trường học ( có rất nhiều trường không đủ các phương tiện dạy và học, thiếu diện tích sân chơi,bãi tập, thiếu các phòng chức năng...) trong quá trình xây dựng nông thôn mới thị xã đã chủ động đầu tư xây mới 5 trường, nâng cấp, mở rộng 7 trường. Hiện nay, số trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học là 14/16 trường, đạt tỷ lệ 87,5%. Đa số các trường học được xây dựng khang trang, sạch đẹp và được công nhận trường học đạt chuẩn văn hóa. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học phổ thông và hệ giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề đạt 97,15%. Lao động qua đào tạo có việc làm 11.873/17.087 người, đạt 69,5% tăng 33,5% so với năm 2011.

Cũng như ngành giáo dục và đào tạo cũng vào thời điểm trên thì hầu hết các xã không đạt tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa. Hầu như  nhà văn hóa ở các ấp điều không có, hay có cũng chỉ là tạm bợ, các khu vui chơi giải trí cho người dân theo qui định đa phần là chưa có. Qua quá trình tổ chức thực hiện đến nay toàn thị xã có 5/5 xã có Trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn theo quy định; ngoài ra còn có khu thể thao cụm xã với diện tích 8,2 ha; 100% xã có điểm sinh hoạt vui chơi giải trí  cho trẻ em và người cao tuổi, 100% các ấp đều có nhà văn hóa ấp từ 100 chỗ ngồi trở lên có đầy đủ các thiết chế văn hóa. Trung tâm thể dục – thể thao thị xã được bố trí trên diện tích rộng 8,2 ha hiện đang hoạt động phục vụ yêu cầu vui chơi giải trí và tổ chức sự kiện cho người dân thị xã. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn không ngừng được chú trọng nâng cao về chất lượng. Trong đó, công tác xây dựng “Gia đình văn hóa” và “Ấp văn hóa” trên địa bàn 5 xã đã đạt được những kết quả quan trọng, hiện nay thị xã có 27/27 ấp được công nhận danh hiệu ấp văn hóa, ấp nông thôn mới, đạt 100%, trong đó có 25/27 ấp giữ vững ấp văn hóa 05 năm liên tục, đạt 92,6%; 5/5 xã được công nhận đạt chuẩn xã văn hóa, nông thôn mới.

 Được chia tách ra từ huyện  người dân đa phần là nông dân, cho nên hệ thống thương mại các xã ở những năm về trước rất đơn giản, ở các xã hầu như không có chợ ( chỉ hợp nhóm ven đường hay trong khu đông dân cư) Thực hiện quy định của Bộ Công Thương, cũng như của nhu cầu mua bán của người dân đang tăng lên nhanh chóng trong những năm giần đây, thời gian qua thị xã đã xây dựng  01 chợ hạng II (chợ Duyên Hải), 04 chợ hạng III (chợ phường 2, chợ Dân Thành, chợ Trường Long Hòa, chợ Hiệp Thạnh). Chuyển đổi mô hình quản lý chợ sang doanh nghiệp 01 chợ. Trong hoạt động kinh doanh thương mại, các chợ đều đạt chuẩn về công trình kỹ thuật, bộ máy quản lý, điều hành chợ theo phương châm thương mại thông minh, an toàn và thẫm mỹ.

Hiện nay, toàn thị xã có 321 cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút 743 lao động tại địa phương; tổng giá trị sản xuất công nghiệp đạt 618,5 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào tổng giá trị sản xuất trên địa bàn thị xã. Trên địa bàn thị xã hiện có 214 doanh nghiệp nhỏ và vừa (5 xã có 52 doanh nghiệp); 3.549 cơ sở sản xuất kinh doanh (5 xã có 1.700 cơ sở) đã giải quyết việc làm cho 9.300 lao động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.015,6 tỷ đồng, tăng 12 lần so với năm 2011. Để ngày một cung cấp nguồn lao động có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu cho các cơ sở công nghiệp, các doanh nghiệp, công tác đào tạo nghề thuộc các chương trình được triển khai rộng khắp các xã – phường, để  thanh niên nông thôn có điều kiện tiếp cận các cơ sở công nghiệp, các doanh nghiệp  có việc làm lâu dài, ổn định. Hiện nay tỷ lệ người có việc làm của 5 xã là 17.087/17.700 người, đạt tỷ lệ 96% (tăng 6,8% so với năm 2011).

Để tạo sự đồng thuận và nâng cao nhận thức cho nhân dân - chủ thể xây dựng nông thôn mới, thì công tác thông tin, tuyên truyền là khâu rất quan trọng và rất cần thiết, qua đó mà chuyển tải đến nhân dân đầy đủ các chủ trương, hướng dẩn của cấp trên. Bằng nhiều hình thức thiết thực, Thị xã đả chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông đã từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng mạng lưới viễn thông. Kết quả, 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, có đại lý Internet, mạng lưới cáp quang và trạm phát sóng lan rộng, dịch vụ kỹ thuật số,... về đến tất cả 27/27 ấp của địa bàn 5 xã. Đài Truyền thanh Thị xã và 27 cụm loa tiếp âm không dây đặt tại 5 xã; hệ thống tiếp âm phát thanh thường xuyên nhằm duy trì tốt công tác thông tin tuyên truyền từ thị xã đến các xã, phường. Tất cả các cơ quan ở xã đều ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành hoạt động.

Phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thị xã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ các doanh nghiệp, các mạnh thường quân và các tổ chức trong và ngoài thị xã, mà điểm nổi bật ở đây là nâng cấp, sửa chữa nhà ở trong cộng đồng dân cư. Trong quá trình thực hiện xây dựng nông thôn mới tất cả các xã – phường đã xây dựng mới và nâng cấp, sửa chữa được 2.222 căn nhà  (trong đó: hỗ trợ 250 căn hộ nghèo, 120 căn nhà đại đoàn kết, 1.211 căn cho người có công và nhân dân tự xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa nhà ở là 641 căn); tỷ lệ hộ dân có nhà ở đạt chuẩn của Bộ Xây dựng được 7.286/7.856 hộ, đạt tỷ lệ 92,5%. Đến nay, trên địa bàn 5/5 xã không còn hộ dân sống trong nhà tạm, nhà dột nát, diện mạo nông thôn mới ở từng khu dân cư, làng xóm đã và đang được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được hoàn thiện.

Cùng với việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu thì công tác phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn thị xã luôn được lãnh đạo thị ủy, các ngành, các cấp quan tâm thực hiện với nhiều hình thức và cách làm sáng tạo như: chuyển đổi cơ cấu sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp, theo hướng khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, hệ thống kết cấu hạ tầng nhằm đạt hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích. Theo đó, đã xây dựng vùng sản xuất tập trung như: Khu nuôi tôm công nhiệp 200 ha khóm Long Thạnh, khu 800 ha cánh Đồng Đon, sản lượng bình quân 15.321 tấn/năm, vùng chuyên màu như: ớt chỉ thiên, đậu phộng xã Long Hữu, dưa hấu, hành tím xã Trường Long Hòa, sản lượng bình quân 74.488.3 tấn/năm, tăng giá trị sản xuất bình quân từ 200 - 250 triệu đồng/ha/năm; chuyển từ nuôi tôm thâm canh sang nuôi tôm công nghệ cao năng suất bình quân 45 tấn/ha mặt nước ao nuôi, tăng 30,94 tấn/ha (7,4 lần) so với nuôi tôm thông thường trước đây, mang lại thu nhập bình quân cho người dân từ 350 - 700 triệu đồng/ha/năm; chăn nuôi gia súc, gia cầm bước đầu đã hình thành được mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Năm 2018, giá trị sản phẩm thu được trên một hécta đất nuôi trồng thuỷ sản đạt 250,4 triệu đồng; giá trị sản phẩm trên một hécta đất trồng trọt đạt 237,5 triệu đồng.

Để quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất và tái cơ cấu ngành nông nghiệp thị xã mang lại kết quả cao, thời gian qua thị xã đã tập trung đổi mới và tổ chức lại sản xuất. Hiện nay, toàn thị xã có 13 hợp tác xã, với 1.955 thành viên, tổng vốn điều lệ 18,5 tỷ đồng, hoạt động trong các ngành, lĩnh vực: thủy sản, nông nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại - dịch vụ và quỹ tín dụng (trong đó có 6 hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn 05 xã); 129 tổ hợp tác với 1.617 thành viên thực hiện hợp đồng hợp tác ở một số khâu trong lĩnh vực nông nghiệp, như: quản lý lịch thời vụ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm....

Từ những phong trào hành động thiết thực đầy hiệu quả và những cách làm đa dạng và sáng tạo. Đến nay thu nhập bình quân của người dân trên địa bàn các xã 45,5 triệu đồng/người/năm (tăng 2,39 lần so với năm 2011). Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tại 5 xã còn 1,65% (giảm 6,35% so với năm 2011).

Công tác chăm sóc sức khỏe cho nhân dân luôn được các ngành, các cấp quan tâm đặc biệt, Trạm y tế các xã luôn đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại cơ sở cho người dân. Có 100% hộ dân sử dụng nước sạch (có 4.603 hộ sử dụng nước máy, 3.253 hộ sử dụng nước giếng được công nhận sạch); 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh có hồ sơ môi trường; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 96,18%, nhà tắm hợp vệ sinh đạt 96,23%; nhà có bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 96,89% và đảm bảo 3 sạch đạt 80,26%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế tính chung cho cả 5 xã đến nay có 27.189/29.971 người, đạt 90,7 %, tăng 47,87% so với năm 2011.Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) của 5 xã chiếm tỷ lệ 5,9%.

Qua 10 năm thực hiện Chương trình, việc xây dựng hệ thống chính trị đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, cụ thể: 100% xã có cán bộ, công chức đạt chuẩn, trình độ đội ngũ cán bộ, công chức từ thị xã đến cấp xã không ngừng được nâng lên đạt chuẩn và trên chuẩn theo quy định. Hàng năm, đảng bộ, chính quyền các xã đạt danh hiệu hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt “Trong sạch, vững mạnh.

Về an ninh, trật tự được đảm bảo, tệ nạn xã hội được kiềm chế và ổn định. 5/5 xã đạt tiêu chuẩn vững mạnh về quốc phòng, an ninh.

Thị xã Duyên Hải đã về đích hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới được Thủ trướng Chính phủ công nhận, diện mạo nông thôn thay đổi rất nhiều so với trước. Tiềm năng phong phú và đa dạng, sức sáng tạo và sự cần mẫn trong lao động sản xuất, sự đồng thuận, đoàn kết chung tay của Đảng bộ và nhân dân quyết tâm xây dựng thị xã Duyên Hải trở thành đô thị lớn, thành phố biển năng động trong thời gian tới.

                                                              Nguyễn Minh Trí - Ban Tuyên giáo 

1 2 3 4 
BẢN ĐỒ HÀNH CHÍNH








Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 181
  • Trong tuần: 1 686
  • Tất cả: 5401027
TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ THỊ XÃ DUYÊN HẢI
- Đơn vị quản lý: UBND thị xã Duyên Hải. Địa chỉ: số 14, đường 3 tháng 2, khóm 1, phường 1, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Trưởng Ban biên tập: Bà Cao Thị Hồng Gấm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.
- Phó Trưởng Ban thường trực: Ông Lê Trường Phong - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh
- Điện thoại: 0294.3832012. Email:phongvh.txduyenhai@travinh.gov.vn.
Ghi rõ nguồn "txdh.travinh.gov.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này. Designed by VNPT
Chung nhan Tin Nhiem Mang